Đem yêu thương đến vùng cao

1966

Nhiều bạn trẻ, câu lạc bộ, đội nhóm, các doanh nhân Đà Nẵng đã nghĩ ra những cách làm ý nghĩa, phần nào hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em nơi đây vượt qua khó khăn.

Sinh viên trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng trao quà tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Tình

Từ chuyến đi phượt đến làng Aur (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), thấy được hoàn cảnh nghèo khó của bà con, nhất là ở những khu vực chưa có điện, chưa có sóng phát thanh, truyền hình và cả sóng điện thoại, Lê Trần Vũ Bình (chuyên viên Công nghệ thông tin của một cơ quan báo chí ở Đà Nẵng) muốn làm điều gì đó có ý nghĩa thiết thực cho bà con.

Nói là làm. Trong vòng hơn 3 tháng chuẩn bị và kêu gọi sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm, đầu tháng 12 vừa qua, Bình rủ thêm 2 người bạn cùng đam mê phượt và các tổ chức, cá nhân đến làng Aur trao tặng quà, thuốc. Dĩ nhiên, Bình không quên mang theo hệ thống năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng để bà con sinh hoạt cộng đồng và các em có đèn điện học bài ban đêm.

Bình kể, hành trình lên làng Aur quả là vất vả, nhưng đổi lại, Bình và các bạn được thấy nụ cười hạnh phúc của bà con. Để có được chuyến đi này, Bình và nhóm bạn đã phải chuẩn bị chu đáo từ quà tặng thiết thực đến cách di chuyển an toàn. Từ xã A Vương (huyện Tây Giang), Bình và nhóm bạn phải gùi hàng lội bộ khoảng 7 giờ đồng hồ để đến được làng Aur. Chuyến từ thiện càng vất vả do những ngày trước đó trời mưa tầm tã, con đường độc đạo đến làng Aur sình lầy và trơn trượt, những con suối cũng chảy xiết hơn. Thế nhưng, với Bình, tất cả những khó khăn ấy chỉ giúp tăng thêm trải nghiệm cho một chàng trai sinh ra và lớn lên ở phố thị.

Một hoạt động có ý nghĩa cho bà con vùng cao, vùng khó khăn nữa là chương trình về với xã Ca Dy (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) của hơn 50 sinh viên thuộc CLB Công tác xã hội, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng. Trong chuyến đi vừa qua, các bạn trao 200 suất quà cho trẻ em và 50 suất quà cho các gia đình khó khăn. Giảng viên Phan Thị Hoàng Lê (phụ trách CLB Công tác xã hội của trường) cho biết, chương trình đi 2 ngày 1 đêm nhưng Ban chủ nhiệm CLB và các sinh viên đã phải chuẩn bị cả tháng trời. Để có tiền mua quà, hằng đêm các sinh viên phải đi nhặt ve chai bán lấy tiền, có nhóm đi bán hoa, bán bánh… gây quỹ. Giảng viên Hoàng Lê cho biết thêm, CLB Công tác xã hội thường xuyên có các chương trình từ thiện, tình nguyện nhưng có lẽ đây là chuyến đi ý nghĩa nhất với cô và các sinh viên. Hai ngày cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt với người dân đã giúp cô và các bạn trẻ có thêm động lực học tập và thắp lên tinh thần thiện nguyện. Sắp đến, CLB sẽ tiếp tục tổ chức chương trình Áo ấm yêu thương tại Bắc Trà My vào dịp gần Tết Nguyên đán. Đây là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do các đợt mưa bão vừa qua, nên CLB muốn sẻ chia với bà con để Tết được đủ đầy hơn.

Liên Chi đoàn Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cũng vừa giúp bà con xã Ka Giang (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) mở đường đi làm rẫy. Huỳnh Thế Long, Phó Bí thư Liên Chi đoàn Khoa Thương mại cho biết, chuyến thiện nguyện đọng lại nhiều hình ảnh đáng nhớ, nhất là ánh mắt vô tư, hồn nhiên của các trẻ em nơi đây. Các em khao khát được học tập, trở thành sinh viên như các anh chị và cũng nuôi ước mơ sẽ quay trở lại quê hương làm những công việc ý nghĩa. Cuối tháng 1-2018, Liên Chi đoàn Khoa Thương mại sẽ tiếp tục tổ chức chuyến tình nguyện nữa tại nơi này để trao áo ấm và tặng quà Tết cho bà con…

Nhiều doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Đà Nẵng đã có mặt tại những vùng bị thiệt hại do thiên tai ở vùng cao Quảng Nam để chia sẻ, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Đà Nẵng đã vượt gần 190km để đến thăm và cứu trợ đồng bào thuộc xã Trà Don, huyện Nam Trà My; trao tận tay bà con 100 phần quà gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm (trị giá 500.000 đồng/suất).

Trong một chuyến đi khác về huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), đoàn thiện nguyện của Hội Doanh nhân trẻ thành phố mang theo hàng trăm phần quà là nhu yếu phẩm cùng tiền mặt hướng về các xã Trà Bui, Trà Đông, Trà Đốc… Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, không chỉ các hiệp hội, hội doanh nghiệp mà có rất nhiều các doanh nhân, doanh nghiệp âm thầm lặn lội tìm đến những vùng cao, bị ảnh hưởng thiên tai nặng nề để mong góp phần giúp đồng bào vượt qua khó khăn.

MẪU ĐƠN

Theo Thanh Tình – Báo Đà Nẵng
http://baodanang.vn/channel/5399/201712/dem-yeu-thuong-den-vung-cao-2583760

CHIA SẺ