9 điều nên hỏi nhà tuyển dụng khi đàm phán lương

2462

Những vấn đề bạn đặt ra trong quá trình đàm phán một mức lương không chỉ ảnh hưởng đến số tiền bạn kiếm được. Nó còn chứng tỏ với lãnh đạo tương lai của bạn rằng bạn là một nhà thương thuyết và đàm phán giỏi. Đó là một kỹ năng vô cùng quan trọng được các nhà tuyển dụng coi trọng.

Việc đàm phán lương không hề dễ dàng bởi đây là một vấn đề nhạy cảm. Rất nhiều người không biết phải làm gì trước câu hỏi “Bạn muốn mức lương bao nhiêu?”. Nhưng nếu bạn không đàm phán thì bạn sẽ không có được điều mình mong muốn. Và tất nhiên, điều công ty tuyển dụng quan tâm là tuyển được người tài với chi phí hợp lý nhất.

Để giành chiến thắng trong cuộc đấu trí cam go này và có được khoản tiền lương tương xứng với khả năng của bạn, hãy sử dụng khả năng giao tiếp và sự tinh tế cho đến khi bạn nhận được những thứ bạn muốn.

Tất nhiên, sẽ luôn luôn có một sự rủi ro liên quan với bất kỳ câu hỏi nào khi bạn thương lượng. Hãy nghĩ về cuộc đàm phán lương như là một cơ hội để bạn tỏa sáng. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá, đưa ra nhận xét về bạn dựa trên cách bạn đối phó với tình huống nhạy cảm như vậy.

Để chắc chắn có được tất cả những thứ bạn xứng đáng, dưới đây là 9 câu hỏi bạn có thể đặt cho nhà tuyển dụng khi đàm phán lương.

1. “Cảm ơn anh/chị. Đây là một lời đề nghị chính thức chứ?”

Hãy chứng minh rằng bạn là người chuyên nghiệp, thông minh và lịch sự bằng cách gửi lời cảm ơn khi được đưa ra đề nghị về mức lương. Sau đó, ngay lập tức chứng tỏ bạn thực sự nghiêm túc khi đến phỏng vấn và bạn sẵn sàng làm việc, cống hiến vì công ty.

2. “Chúng ta có thể thương lượng?”

Sau khi đề nghị mức lương bạn mong muốn, có hai trường hợp xảy ra. Nếu họ đồng ý thì xin chúc mừng, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn cho bạn. Còn nếu nhà tuyển dụng cho rằng mức lương đó chưa hợp lý thì bạn có thể thương lượng để thỏa hiệp mục đích của cả hai bên.

3. “Đó có phải là mức lương cơ bản?”

Khi bạn đặt câu hỏi về mức lương cơ bản đồng nghĩa với việc bạn muốn tìm hiểu thêm về các chế độ khen thưởng, hoa hồng hay các chế độ phúc lợi khác của công ty. Điều đó cũng chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người chuyên nghiệp và có tầm nhìn xa trông rộng trong mọi quyết định và công việc.

4. “Tôi có thể đặt một câu hỏi không?”

Một nguyên tắc khi đàm phán là không bao giờ chấp nhận một lời mời ngay từ lời đề nghị đầu tiên. Việc trì hoãn bằng cách đặt câu hỏi cho bạn thêm thời gian để xem xét chiến lược đàm phán của bạn. Bạn có thể nói, “Đây là một công việc tuyệt vời, và tôi thực sự muốn làm việc cho công ty. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, sẽ tốt hơn nếu tôi được biết rõ về các điều khoản khác.”

5. “Tôi có nhận được đề nghị bằng văn bản?”

Bạn không chấp nhận một đề nghị mà không có trong văn bản. Trong xã hội hiện nay, không phải ai cũng là người trung thực. Nếu bạn chọn một công việc dựa trên lời hứa bằng lời nói thì rất có thể bạn sẽ vừa ngã đau, vừa mất thời gian vì sự tin tưởng.

6. “Khi nào tôi có thể bắt đầu công việc?”

Đây là một cách để khẳng định lại rằng lời đề nghị là nghiêm túc. Hầu hết mọi người muốn bạn có thể bắt đầu công việc ngay lập tức nhưng sẽ thất vọng nếu bạn đồng ý làm như vậy. Việc biết chính xác thời gian đi làm giúp bạn có sự bàn giao công việc ở công ty cũ hoặc chuẩn bị sẵn sàng cho ngày đi làm đầu tiên tại công ty mới.

7. “Liệu anh/chị có thể vui lòng cung cấp cho tôi một bản mô tả công việc cụ thể?”

Câu hỏi này giúp xác minh những công việc bạn đang được thuê để làm. Đó cũng là công việc được mô tả trong quá trình phỏng vấn và là một công việc mà bạn có khả năng làm.

8. “Công ty có những quy định gì về việc tăng lương?”

Câu hỏi sẽ mang đến cho bạn những thông tin về thời hạn, điều kiện để được nâng lương theo điều lệ công ty. Hơn nữa, điều này còn giúp bạn có một cái nhìn tổng quát về môi trường và chế độ của công ty.

9. “Khi nào thì tôi được đóng bảo hiểm xã hội?”

Khi kết thúc làm việc ở công ty cũ, để đảm bảo không gián đoạn thời gian trong sổ bảo hiểm, bạn cần hỏi rõ thời gian được đóng các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Như vậy, bạn sẽ được đảm bảo các lợi ích cơ bản nhất.

Khi bạn hỏi một số câu hỏi trên, hãy nhớ rằng ngoài việc thu thập các thông tin cần thiết, bạn đang thể hiện rằng bạn là một nhà thương thuyết tốt. Bạn muốn họ biết rằng họ có quyền giao cho bạn các công việc khác nhưng phải tương xứng với một khoản lương thưởng thích hợp.

Phương Thảo – careerlink.vn

CHIA SẺ