Tân sinh viên xa nhà nên chi tiêu như thế nào cho hợp lý?

4192

Sinh viên chân ướt chân ráo bước vào cánh cổng cao đẳng, rời xa vòng tay của gia đình cần phải học cách tự lập và trưởng thành hơn để có thể tự lo liệu về mọi mặt cho cuộc sống từ việc học tập cho đến chi phí sinh hoạt cá nhân.

Có lẽ những năm tháng sinh viên là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người chúng ta. Nhiều bạn sinh viên có thể sẽ phải xa nhà để học tập và sinh sống ở môi trường hoàn toàn xa lạ, tự lo toan cho cuộc sống mà không có sự chăm sóc mỗi ngày của cha mẹ. Lẽ tất nhiên, bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi đất khách quê người không phải là điều đơn giản. Ngoài việc học tập thì bạn sẽ phải tự thân lo lắng cho cuộc sống từ những việc nhỏ nhất như mua gì, ở đâu và chi tiêu sao cho tiết kiệm nhất.

Dù bạn sống ở đâu đi chăng nữa thì cũng phải học cách tiết kiệm cho ngân khố của mình. Chi tiêu thiếu thận trọng và lỡ “vung tay” vào những thứ không cần thiết sẽ khiến bạn nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu thốn, nợ nần chồng chất. Những kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp các bạn tân sinh viên tiết kiệm chi phí sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, nhất là những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thuê nhà trọ giá cả hợp lý

Tiền phòng trọ luôn chiếm phần lớn sinh hoạt phí hàng tháng của các bạn sinh viên không ở cùng gia đình. Vì thế, nếu được ở trong khu kí túc xá của trường cao đẳng, các bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ so với việc thuê nhà trọ bên ngoài. Tất cả các trường cao đẳng trong nước hay ngoài nước đều có những chính sách hỗ trợ và ưu tiên cho sinh viên trong diện hoàn cảnh khó khăn được ở trong kí túc xá của nhà trường. Tận dụng triệt để lợi thế này giúp bạn tiết kiệm được 60% chi phí sinh hoạt.


Sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại được ở Ký túc xá với chi phí rẻ 80.000đ/người/tháng

Ký túc xá: thân thiện, sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp

Tuy nhiên, nếu bạn muốn thuê nhà trọ phù hợp với hoàn cảnh kinh tế thì cần phải bỏ thời gian tìm hiểu cụ thể, rõ ràng: giá cả xung quanh thế nào, đường xá có thuận tiện để đến trường và đặc biệt có đảm bảo an ninh không? Để tiết kiệm chi phí hơn thì tốt nhất các bạn sinh viên nên tìm người chia sẻ phòng trọ chung. Lưu ý, chỉ nên tìm đến những người bạn thật sự đáng tin cậy, tránh ở cùng người lạ vì khó dung hòa trong cuộc sống dẫn đến nguy cơ xích mích, lừa lọc cao.

Lập danh sách chi tiêu

Việc lên kế hoạch ngân sách rất quan trọng trong giai đoạn này. Nó không chỉ giúp bạn tiết kiệm chi phí mà còn định hướng cách chi tiêu đúng mục đích trong tương lai. Đầu tiên, bạn cần phải tạo thói quen liệt kê các danh mục cần chi trong một tháng, càng cụ thể càng tốt.

Lập danh sách chi tiết các mục phải chi hàng ngày, tháng là cách tốt nhất giúp bạn kiểm soát và cân bằng tài chính.

Sinh viên hào hứng tham gia cuộc thi “Sinh viên giỏi Kế toán 2018”

Và nhớ, để bản thân kiểm soát tài chính một cách thông minh thì phải phân biệt rõ ràng đâu là thứ mình cần và thích khi đi mua sắm. Những món đồ cần thiết cho học tập và cuộc sống thì nên đầu tư, còn những thứ chỉ đơn giản là thích thú thì nên suy xét cho kỹ lưỡng.

Chẳng hạn như vấn đề mua đồ gia dụng cho căn phòng mới: thông thường các bạn sinh viên ở chung nhà trọ với nhau nên chia nhau mua đồ gia dụng để tránh lãng phí tiền bạc và không gian sinh hoạt. Khi chuyển ra ở riêng cũng có thể mang theo món đồ đạc thuộc sở hữu của mình. Ngoài ra, để tiết kiệm hơn thì sinh viên thường truyền tai nhau cách mua đồ thanh lý. Hiện có rất nhiều nhóm trao đổi mua bán đồ thanh lý trên mạng xã hội, nếu may mắn và biết lựa chọn thì bạn vẫn có thể sở hữu được những món đồ tốt giá hời.

Tiết kiệm chi phí từ sinh hoạt hàng ngày

Tự nấu ăn hàng ngày có thể giúp các bạn sinh viên vừa tiết kiệm chi phí lại đảm bảo được sức khỏe vệ sinh thực phẩm.

Sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh Nhà hàng thực hành chế biến món ăn

Bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm từ việc sống tối giản nhất có thể, dành thời gian tự nấu nướng ở nhà thay vì dùng cơm hộp vừa đảm bảo vệ sinh, sức khỏe lại vừa hợp khẩu vị. Ban đầu, bạn có thể mất một khoản tiền mua dụng cụ nấu nướng nhưng tính toán kĩ hơn thì sẽ rất rẻ so với chi phí đi ăn bên ngoài. Lẽ tất nhiên, những món ăn bạn tự trổ tài cũng sẽ hợp khẩu vị hơn rồi. Còn nếu không phải người khéo tay trong khoản nấu nướng thì đây chính là cơ hội giúp bạn được rèn luyện về lĩnh vực này nhiều hơn.

Tuyến xe bus số 5 Nguyễn Tất Thành – Xuân Diệu đi qua Trường Cao đẳng Thương mại
Sinh viên Nhà trường làm thẻ vé tháng xe bus được giảm giá 50%

Bạn có thể đi bộ, đi xe đạp hoặc đi xe bus đến trường để tiến kiệm chi phí đi lại và rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, nên hạn chế thói quen tụ tập quá thường xuyên vì những buổi tụ tập vui chơi sẽ khiến bạn phải mất một khoản chi tiêu nho nhỏ.

Tìm việc làm thêm

Có một công việc làm thêm bán thời gian thời sinh viên là trải nghiệm khá thú vị với các bạn trẻ. Ngoài môi trường học tập tại khuôn viên trường, đi làm thêm không chỉ đơn thuần giúp bạn kiếm thêm thu nhập mà còn giúp bạn tiếp xúc được với nhiều người hơn, cải thiện kỹ năng giao tiếp, ứng xử và lối sống văn minh hơn.

Chuyên trang hỗ trợ việc làm dành cho sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại
với rất nhiều việc làm được cập nhật hàng ngày tại địa chỉ www.sinhvien.cdtm.cdtm.edu.vn

Facebook hỗ trợ việc làm dành cho sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại tại địa chỉ
https://www.facebook.com/svcdtm

Những ai đã, đang và sẽ là sinh viên chắc chắc sẽ thấu hiểu hết cảnh sống xa nhà thiếu thốn đủ thứ. Tuy nhiên, một tân sinh viên thông minh sống có nề nếp và biết cách chi tiêu sẽ có cuộc sống khác biệt, không phải chịu cảnh nợ nần phụ thuộc vào người khác. Nếu tiết kiệm được một khoản kinh phí nào đó thì bạn sẽ có cơ hội đầu tư nhiều hơn vào sở thích của mình. Ví dụ như đăng kí một lớp học ngoại khóa hay thi thoảng đi du lịch khám phá, trải nghiệm cùng bạn bè.

CHIA SẺ